cau-truc--thu-muc-wordpress-new

Cấu trúc Thư mục WordPress chi tiết từ A-Z

Giới thiệu sơ lược về thư mục WordPress

Thư mục WordPress là thư mục để lưu trữ tất cả các tệp chức năng, hình ảnh, văn bản, bài viết, sản phẩm… của toàn bộ trang web.

Thông thường, thư mục của WordPress sẽ bao gồm 03 thành phần chính, đó là:

  1. Thư mục wp-admin
  2. Thư mục wp-content
  3. Thư mục wp-includes

Đây chính là 3 thư mục quan trọng nhất của WordPress, song hành với nó là các tệp chức năng quan trọng khác như:

  1. Tệp .htaccess
  2. Tệp index.php
  3. Tệp License.txt và readme.html
  4. Tệp wp-config.php
  5. Tệp wp-cron.php
  6. Tệp wp-load.php
  7. Tệp wp-login.php
  8. Tệp wp-setting.php

Giới thiệu về thư mục wp-admin

Đây là nơi WordPress chứa tất cả các tệp liên quan tới bảng điều khiển quản trị trong admin. Ví dụ như các chức năng đăng bài, chức năng chỉnh sửa web, chức năng đăng sản phẩm, cài các Plugin mới, quản lý bình luận…

Tức là khi bạn đăng nhập vào giao diện admin của WordPress, nó hiển thị lên tất cả những gì và có chức năng gì thì nó sẽ nằm trong Folder wp-admin.

Bạn chú ý, không nên chỉnh sửa và xóa bất cứ một file nào trong thư mục wp-admin này.

Trong thư mục này, bạn cũng cần chú ý đến một số các tệp quan trọng như:

Thư mục CSS của Admin

Nó chứa tất cả các đoạn mã để tạo hiệu ứng, sắp xếp bố cục, tạo giao diện nhìn gọn gàng và dễ sử dụng hơn cho người dùng. Nếu các bạn không có tệp này thì giao diện sẽ rất lộn xộn và xấu.

Thư mục IMAGES của wp-admin

Đây là thư mục chứa tất cả các Media, hình ảnh để tăng tính trực quan cho giao diện quản trị admin. Nó bao gồm các hình ảnh tượng trưng của người dùng, icon, hình đại diện của các tính năng để hiển thị trông đẹp hơn.

Thư mục CSS và thư mục IMAGES được tách biệt để tránh bị lẫn khi sử dụng. Đồng thời để kết nối 2 thư mục này với nhau thì ta sẽ code để gắn đường dẫn hình ảnh vào trong tệp CSS.

Thư mục INCLUDES của wp-admin

Thư mục này chứa toàn bộ mã nguồn chức năng của Admin. Tên của các tệp trong thư mục này đại diện cho tính năng mà nó đại diện.

Đây là một tệp chức năng cơ bản, do đó bạn không nên có các thao tác chỉnh sửa hoặc xóa file nào để tránh hiện tượng lỗi cho website của bạn.

Thư mục JS của wp-admin

JS là viết tắt của Java Script – một loại ngôn ngữ lập trình được sử dụng rất phổ biến trên thế giới hiện nay. JS giúp tạo các chức năng độc đáo cho website của bạn.

Do đó, tệp JS sẽ chứa các file JS chứa các hàm, các đoạn mã để tạo chức năng cho Admin. Ví dụ như tính năng thêm người dùng, xóa người dùng, thêm bài viết, thêm trang mới, chỉnh sửa trang web, cài đặt trang web, hiệu ứng arcordion xổ nội dung ra…và rất nhiều tính năng khác nữa.

Các thư mục maint, network và user của wp-admin

Đây cũng là những thư mục quan trọng của WordPress, bạn có thể tìm hiểu thêm về chúng nếu nghiên cứu sâu hơn về WordPress.

Cuối cùng, đó là các tệp của wp-admin

Đây là các tệp chức năng, ứng với mỗi tên tệp sẽ có các chức năng khác nhau.

Ví dụ: Tệp theme-install.php sẽ có tác dụng cài đặt theme. Tệp theme.php sẽ là cấu hình theme…

Giới thiệu thư mục wp-content

Đây là nơi bạn có thể tùy biến và quản lý toàn bộ nội dung trên website WordPress của bạn. Thư mục này được sử dụng nhiều nhất nếu như bạn là người thiết kế trên mã nguồn wordpress.

Tại sao lại như vậy? Vì nó là nơi bạn cài đặt các Plugin, Giao diện, Bài viết, sản phẩm, hình ảnh, video…nói chung, là tất cả những nội dung trên website của bạn.

Thư mục themes của wp-content

Chứa toàn bộ nội dung liên quan tới giao diện mà bạn đã tải về và cài lên trên website WordPress của bạn.

Ví dụ, mình có sử dụng giao diện Flatsome thì sẽ có 1 thư mục là /Flatsome/ – đây là một thư viện giao diện cha của Flatsome. Trong thư mục này bắt buộc phải có tệp style.css và function.php.

Trong đó, tệp style.css là bắt buộc phải có và nó giúp bạn khai báo với hệ thống rằng đây là 1 giao diện mà bạn muốn cài cho WordPress.
Tệp fuction.php có tác dụng thêm các chức năng mới cho giao diện của bạn. Bạn có thể ghi tất cả các chức năng mà bạn muốn có trên website của mình vào đó.

Lưu ý: Với những giao diện mà bạn tự tạo ra thì có thể không cần tạo Folder giao diện con. Tuy nhiên những giao diện mà bạn mua từ nhà phát triển, họ thường xuyên cập nhật do đó bạn phải cài giao diện con (Như mình mua theme Flatsome thì mình sẽ cài giao diện con là Flatsome-Child). Sở dĩ mình cần giao diện con vì khi cập nhật giao diện cha thì thư mục và chỉnh sửa ở trong giao diện con sẽ không bị mất đi.

Thư mục Plugin của wp-content

Thư mục này chứa tất cả các Plugin mà bạn đã cài. Trong mỗi thư mục ứng với từng Plug-in và trong mỗi Plugin đó sẽ chứa các tệp chức năng của Plugin đó.

Bạn có thể tùy biến và chỉnh sửa Plugin, thế nhưng điều đó là không cần thiết vì khi bạn cập nhật Plugin thì những chỉnh sửa đó sẽ biến mất.

Thư mục Uploads của wp-content

Thư mục này chứa toàn bộ hình ảnh, video của bạn và được phân chia theo tháng/năm. Khi bạn tạo trang từ tháng năm nào thì WordPress sẽ tự động tạo cho bạn Folder bắt đầu từ ngày tháng đó. Cách lưu trữ này khá là khoa học và thuận tiện.

Thư mục Languages của wp-content

Chứa các file ngôn ngữ để bạn có thể lựa chọn ngôn ngữ cho website của mình.

Thư mục Upgrade của wp-content

Thư mục này sẽ tạm thời chứa toàn bộ các file trong bộ mã nguồn WordPress của bạn khi bạn cập nhật.

Thư mục Font của wp-content

Thư mục này chứa toàn bộ font được cài trên website của bạn.

Thư mục mu-Plugins của wp-content

Thư mục này có tên đúng là Must Use Plugin – tức là các Plugin bắt buộc phải có đối với website của bạn, nó không thể bị xóa hoặc vô hiệu hóa từ trong bảng quản trị admin của bạn. Trong trường hợp bạn mua các giao diện trên chợ theme thì nhà phát triển sẽ phát triển bộ Plugin riêng để hỗ trợ người dùng sử dụng theme. Do đó, những Plugin này bắt buộc phải cài vào, và nó nằm trong Folder /mu-plugins.

Thư mục /backups/ của wp-content

Thư mục này chứa toàn bộ bản sao lưu website WordPress của các bạn. Bạn có thể sử dụng nhiều Plugin giúp backup khác nhau và nó sẽ tự động lưu bản backup website wordpress của các bạn vào đó.

Giới thiệu thư mục wp-includes

Đây là một thư mục nặng nhất của WordPress nhưng lại ít được đụng đến nhất vì nó chứa toàn bộ các hàm, các thư viện được tạo sẵn của WordPress. Công việc của nhà lập trình chỉ cần tìm hiểu về các tệp lõi này của WordPress và gọi chúng ra khi muốn thực hiện một ý đồ nào đó trên website.

Bạn không nên chỉnh sửa hoặc xóa bất kỳ một file nào trong tệp này vì có thể gây lỗi cho website.

Giới thiệu các tệp quan trọng của WordPress

Ngoài các Folder ra thì các tệp tin quan trọng giúp bạn dễ dàng cấu hình và chỉnh sửa WordPress.

Tệp .htaccess

Tệp .htaccess giúp bạn định nghĩa URL chuẩn cho toàn bộ website, cài đặt các thông số cấu hình website như: Ngôn ngữ PHP, upload_max_filesize, cài đặt thời gian tải trang tối đa, tối thiểu…

Tệp .htaccess rất quan trọng, nếu như không có tệp này thì website của bạn sẽ bị lỗi.

Ví dụ: Nếu bạn sửa tên tệp .htaccess thành .htaccess_old và ra reload lại trang web thì sẽ chỉ load được trang chủ. Khi vào tất cả các trang khác đều hiển thị lỗi 404.

Đó là do thiếu tệp .htaccess hay cụ thể hơn là do gốc URL chuẩn chưa được định nghĩa dẫn tới hệ thống không thể đưa ra trang đích chính xác cho người dùng.

Tệp index.php

Đây là một tệp gốc của bất kỳ một website nào. Khi đọc trang web, trình duyệt sẽ hiển thị tất cả file nào có tên là index.html hoặc index.php. Trước khi chuyển sang một trang mới thì cũng đều phải duyệt qua tệp index.php.

Ví dụ như trên trang web buimanhduc.com của mình, khi mình vào trang giới thiệu thì URL của nó sẽ có dạng:

https://buimanhduc.com/index.php?com=gioi-thieu

Đây là một dạng URL chưa được định nghĩa. Nếu như chuẩn của nó sẽ phải là:

https://buimanhduc.com/ gioi-thieu/

Ví dụ trên để nói với các bạn rằng, tệp index sẽ được duyệt qua trước, sau đó mới tới trang giới thiệu.

Do đó, tệp index.php là tệp gốc và là một trong những tệp quan trọng nhất của mọi website.

Tệp wp-config.php

Đây là tệp tin giúp bạn cấu hình cài đặt kết nối trang WordPress với cơ sở dữ liệu.

Một website thực tế muốn hoạt động được và tương tác được với khách hàng thì bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu. Mà cơ sở dữ liệu là một bảng rời trong hosting, không hiển thị ngay ra bên ngoài, do đó phải có cầu nối để liên kết website với cơ sở dữ liệu.

Tệp wp-config.php giúp bạn làm điều đó.

Tệp wp-cron.php

“CRON” tiếng Anh là các công việc Parttime hoặc định kỳ. Tệp wp-cron.php giúp xử lý các tác vụ mang tính định kỳ như: Lịch đăng bài, Kiểm tra cập nhật, gửi Email…

Tệp này được gọi ra khi có một yêu cầu lên lịch từ website của bạn.

Bạn không nên sửa tệp này vì không có nhiều tác dụng cũng như gây ra lỗi trên website.

Tệp wp-load.php

Tệp này là tệp giúp tải các tệp lõi (core) của wordpress như: wp-config.php, wp-includes.php… thì nó sẽ giúp khởi tạo các biến toàn cục để thực thi một yêu cầu nào đó khi người dùng yêu cầu.

Tệp wp-login.php

Tệp này đảm nhiệm chức năng đăng nhập và đăng xuất trong WordPress.

Nó kiểm tra thông tin đăng nhập, kiểm tra Cookies và chuyển hướng người dùng đăng nhập thành công đến trang quản trị wordpress.

Tệp wp-setting.php

Tệp này giúp cài đặt trên trang WordPress như: Cài tên trang web wordpress, múi giờ, ngôn ngữ WordPress, tải ra các giao diện và Plugin đã được kích hoạt…

Tệp License.txt và readme.html

Đây là các tệp tin chưa thông tin về Bản quyền và giới thiệu thông tin về bộ mã nguồn WordPress. Nó không liên quan gì đến cấu hình WordPress cả. Bạn nên đọc thêm khi thật sự tìm hiểu sâu về WordPress, còn không thì không cần đọc cũng được.

Lời kết

Hy vọng, qua bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cấu trúc thư mục của WordPress để có thể hiểu và tự thiết kế giao diện cho mình.

Nếu bài viết và Video của mình hữu ích, vui lòng cho mình thêm 1 Subscribe – Like – và Chia sẻ nhiều hơn tới những người đang muốn tìm hiểu về WordPress nhé!

Đăng ký kênh Youtube của mình TẠI ĐÂY

Cám ơn các bạn rất nhiều!

5/5 - (1 bình chọn)
Tác giả

Mạnh Đức

BUIMANHDUC.COM là một webblog cá nhân được hoạt động từ ngày 30/07/2018 và đang được vận hành/phát triển nội dung bởi người sáng lập Bùi Mạnh Đức.

Chia sẻ
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Danh mục liên quan

Thời gian đọc của bạn

94%
Thời gian bạn ở trên trang cao hơn 94% so với trung bình.